*Sự ra đời Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam
Thế giới từ cuối những năm 80 và đầu những năm 90, công cuộc cải tổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu thất bại. Các nước này thực hiện chế độ đa nguyên về chính trị, đa đảng đối lập, phủ định sạch trơn quá khứ cách mạng, chĩa mũi nhọn vào Đảng Cộng sản, Chủ nghĩa Mác – Lênin, khủng hoàng chính trị ngày càng trầm trọng, xã hội ngày càng hỗn loạn, dẫn đến sụp đổ. Từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX, nước ta lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Đất nước lại phải tiến hành hai cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc ở biên giới Tây Nam và phía Bắc. Sự sụp đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên xô và Đông Âu tác động sâu sắc đến nước ta. Cán bộ, đảng viên và nhân dân lo lắng; một số người dao động, hoài nghi về tiền đồ của CNXH,… Việt Nam đứng trước thử thách hiểm nghèo; nhiệm vụ bảo vệ đất nước, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ đặt ra hết sức nặng nề.
Sau hơn nửa thế kỷ đấu tranh cách mạng và kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cả nước có trên 4 triệu CCB, có đủ các thành phần, các thế hệ. Có những đồng chí từng tham gia các đội tự vệ Đỏ trong phong trào Xô-viết Nghệ-Tĩnh năm 1930-1931, tham gia Đội du kích Bắc Sơn, du kích Nam Kỳ, Cứu quốc quân, Việt nam tuyên truyền giải phóng quân, du kích Ba Tơ… Nhiều đồng chí tham gia chiến đấu từ những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, kháng chiến chống Pháp, số đông trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, đã từng vào sinh ra tử, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, được rèn luyện qua thử thách và tích lũy nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh cách mạng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.
Đội ngũ CCB, với bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, trách nhiệm đối với vận mệnh của Tổ quốc, thiết tha mong muốn nhanh chóng tập hợp lực lượng CCB Việt Nam vào một tổ chức thống nhất, hợp pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng để động viên nhau giữ gìn và phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục đóng góp có hiệu quả hơn cho sự nghiệp bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ XHCN, đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức, giúp nhau khắc phục đói nghèo, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của CCB, đấu tranh chống lại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, ở một số địa phương trong nước đã xuất hiện một số tổ chức tự nguyện, như: Câu lạc bộ CCB; Ban Liên lạc truyền thống; Ban Liên lạc đồng đội, đồng ngũ,… nhằm giúp nhau giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, giúp nhau trong cuộc sống đời thường. Nhiều ban liên lạc, câu lạc bộ đã trực tiếp hoặc gián tiếp đề nghị Đảng, Nhà nước cho phép thành lập tổ chức Hội CCB trong cả nước, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Năm 1986, Đại hội VI của Đảng với quan điểm đổi mới toàn diện đất nước đã tạo điều kiện thuận lợi để thành lập Hội CCB Việt Nam.
*Hội CCB Việt Nam phát huy tinh thần Đại thắng mùa xuân năm 1975 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
Năm 1986, Đại hội VI của Đảng với quan điểm đổi mới toàn diện đất nước đã tạo điều kiện thuận lợi để thành lập Hội CCB Việt Nam. Ngày 06/12/1989, căn cứ Tờ trình của Ban Bí thư, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) đã quyết định cho thành lập Hội CCB Việt Nam (Ngày 06/12 là Ngày truyền thống của Hội CCB Việt Nam). Thực hiện Quyết định số 100 – QĐ/TW ngày 03/02/1990 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thành lập Hội CCB Việt Nam và quyết định của các cấp ủy Đảng, Hội CCB các cấp được thành lập.
Trải qua gần 36 năm xây dựng và trưởng thành, từ 700.000 hội viên từ Đại hội lần thứ nhất, qua 07 kỳ đại hội, Hội CCB Việt Nam đã có trên 3 triệu hội viên, trong đó, có gần 94.400 hội viên tham gia kháng chiến chống Pháp, trên 1,3 triệu hội viên tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hàng triệu cán bộ, hội viên Cựu chiến binh Việt Nam luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên giữ gìn phẩm chất, đạo đức cách mạng, phát huy bản chất “Bộ đội Hồ”, xây dựng và vun đắp truyền thống “Trung thành – Đoàn kết – Gương mẫu – Đổi mới”. Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “…Hội CCB Việt Nam là một tổ chức chính trị – xã hội, đại diện cho ý chí và quyền lợi của cựu chiến binh, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Đảng lãnh đạo. Từ khi ra đời đến nay, Hội đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, hoạt động tích cực, đúng hướng và có hiệu quả. Phát huy những thành tựu, thành quả của công cuộc đổi mới, trong nhiệm kỳ 2017 – 2022 vừa qua, Hội CCB Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, hoạt động tích cực, đúng hướng và hiệu quả hơn, xứng đáng với vai trò, vị trí là nòng cốt chính trị, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, chính quyền các cấp, là cầu nối vững chắc quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân”.
Phát huy tinh thần Đại thắng mùa xuân năm 1975, trong suốt chặng đường gần 36 năm xây dựng và phát triển, Hội CCB Việt Nam luôn đồng hành cùng công cuộc đổi mới của Đảng, dân tộc và đất nước. Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới, các thế hệ CCB Việt Nam tiếp tục phát huy bản chất, “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội CCB Việt Nam lần thứ VII đề ra, xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ và vị thế của một đoàn thể chính trị – xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.
Một số hình ảnh hội ccb xã Hùng An, huyện Kim Động tỉnh Hưng Yên.
Lương Văn Việt – Hội CCB xã Hùng An.